gtag('config', 'AW-11258748845');
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thông tin kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thông tin kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Hiểu tâm lý khách hàng theo độ tuổi để target

  


Bài 23:

Tìm hiểu tâm lý khách hàng theo độ tuổi để target quảng cáo

Ngoài những yếu tố sản phẩm, nội dung content, tư duy chiến lược trong việc làm quảng cáo thì bạn không thể bỏ qua việc nhận biết tâm lý khách hàng theo độ tuổi. Mỗi độ tuổi đều có những yếu tố khác nhau, dựa vào đó sẽ giúp bạn target quảng cáo được tốt hơn. Bài học này mình sẽ nêu ra những yếu tố cơ bản nhất giúp bạn phần nào hình dung nhé!

Tại sao cần nhận biết tâm lý nhóm độ tuổi khách hàng?

Nếu bạn chạy quảng cáo, bán hàng mà còn mơ hồ về tâm lý khách hàng và hành vi người tiêu dùng thì cũng giống như thầy bói mù xem voi vậy.

Việc đó chắc chắn sẽ khiến bạn tốn nhiều chi phí cho quảng cáo mà còn không mang lại hiểu quả nữa.

Như vậy, nhận biết tâm lý khách hàng sẽ giúp bạn 2 điều cơ bản như sau:

  • Giúp bạn loại bỏ được nhóm khách hàng không tiềm năng, đỡ tốn chi phí quảng cáo.
  • Giúp bạn target chính xác phân khúc khách hàng phù hợp với sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Các nhóm tâm lý khách hàng theo độ tuổi

Nhóm 1: khách hàng độ tuổi từ 18 đến 22

Nhóm khách hàng độ tuổi 18 đến 22.

Nhóm khách hàng độ tuổi 18 đến 22.

Nhóm độ tuổi 18-22 này là các bạn nam thanh nữ tú đang trong giai đoạn sinh viên và sử dụng tiền của bố mẹ.

Thu nhập của nhóm độ tuổi này 1 là từ bố mẹ 2 là từ làm thêm. Nói chung là thu nhập chưa ổn định.

Nhóm này đa phần tương tác rất cao(comment, like, share) nhưng việc mua hàng thì nhóm này còn thấp. Trừ những bạn con nhà đại gia thôi, nhưng đó chỉ là số ít.

Nhưng nhóm này lại có nhiều thời gian rảnh rỗi và thích đi phượt. Bạn có thể nhắm đến các sản phẩm đồ phượt giá rẻ cho nhóm đối tượng này.

Nhóm 2: khách hàng độ tuổi từ 23 đến 25

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 23 đến 25.

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 23 đến 25.

Độ tuổi từ 23 đến 25 là những bạn mới tốt nghiệp đại học đi làm, mức lương cũng chưa cao, công việc thì cũng chưa ổn định.

Nam ở độ tuổi này thì bắt đầu thiên hướng về giải trí, bắt đầu chi tiêu mua sắm những thứ mình thích như máy ảnh trả góp, điện thoại trả góp, xe gắn máy trả góp. Nam ở độ tuổi này vẫn chưa biết tiết kiệm nhiều.

Nữ độ tuổi này thì bắt đầu lập gia đình.

Nhóm 3: khách hàng độ tuổi từ 26 đến 30

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 26 đến 30.

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 26 đến 30.

Độ tuổi từ 26 đến 30 bắt đầu có công việc ổn định hơn, thu nhập cao hơn, trưởng thành hơn, biết tiết kiệm tiền để lo cho tương lai hơn.

Nam giới độ tuổi này bắt đầu suy nghĩ chín chắn hơn và biết tiết kiệm để lo cho tương lai hơn. Độ tuổi này nam giới cũng bắt đầu kiếm bạn gái và kết hôn. Nữ tuổi này thì sinh con.

Nhóm 4: khách hàng độ tuổi từ 31 đến 40

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 31 đến 40.

Độ tuổi 31 đến 40 bắt đầu có khoản tiết kiệm dư dả, mua sắm cũng nhiều và tập trung vào mua nhà, mua đất, mua nội thất.

Nhóm này chi tiêu cũng rất cẩn thận và khó tính, lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng.

Nhóm 5: khách hàng độ tuổi từ 41 đến 50

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 41 đến 50.

Nhóm độ tuổi 41 đến 50 thì đã có tài sản riêng rồi. Đa phần họ ít sử dụng mạng xã hội. Nhưng hành vi họ mua hàng trên mạng thì vẫn có.

Nhóm 6: khách hàng độ tuổi từ 50 trở lên

Nhóm khách hàng từ độ tuổi 50 trở lên.

Nhóm độ tuổi từ 50 trở lên thì bắt đầu quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và cũng là nhóm độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu. Đa phần chi tiêu cho sức khỏe là nhiều. Hành vi mua hàng trên mạng rất ít, đa phần nhờ con cháu mua dùm.

Kết

Như vậy là mình đã đi qua phần tâm lý nhóm độ tuổi khách hàng rồi nhé. Tuy nhiên sẽ không hoàn toàn chính xác tuyệt đối đâu.

Bài học này phần nào giúp bạn có cái nhìn cơ bản nhất về nhóm độ tuổi khách hàng và từ đó bạn sẽ phân tích lại dựa theo kinh nghiệm, kiến thức và cảm tính của bạn nhé.

Sưu tầm.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Truyện cổ tích và Marketing trong xây dựng content

Truyện cổ tích và Marketing - Storytelling trong xây dựng content

Chẳng cứ trẻ em hay fan ruột nhà Disney thích truyện cổ tích. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đề cập nhiều đến kiểu content mang tính kể chuyện (storytelling). Truyện cổ tích có lẽ sẽ giúp ích được giới Marketer đôi phần. Đâu phải tự nhiên mà những câu truyện cách nay hàng trăm năm, vẫn có sức sống mãnh liệt và được truyền lại từ đời này qua đời khác một cách hăng say đến vậy.



“Tiếp thị không còn là về những thứ bạn tạo ra, mà là về những câu chuyện bạn kể” - Seth Godin

Ai cũng có một câu chuyện để kể, dù làm kinh doanh cá nhân, làm ở SME hay big corp. Là marketer, ta dễ dàng tạo tác câu chuyện của riêng mình, mạng xã hội giống như bức canvas, nó cho phép ta thỏa sức truyền tải ngôn từ, hình ảnh và thậm chí cả video một cách dễ dàng.

Để bắt đầu, hãy xác định loại câu chuyện muốn kể, câu chuyện gồm những phần nào, bao gồm những gì, phần nào là phần quan trọng?

Truyền tải thông điệp đơn giản nhất có thể

Điểm đặc biệt ở truyện cổ tích đó là tổng thể đơn giản và dễ hiểu đối với trẻ em.

Một thông điệp đơn giản không chỉ tránh gây ra sự hiểu nhầm mà còn thu hút được rộng rãi người đọc hơn. Khách hàng không cần những từ bay bướm. Họ cần mọi thứ đơn giản, vào thẳng vấn đề, nói họ biết những gì bạn đang làm và những gì bạn muốn họ làm. Nếu thông điệp được truyền tải dễ hiểu kèm chút khéo léo, khách hàng dễ chia sẻ thông điệp với người khác và tăng cơ hội gắn kết với thương hiệu về sau.

Các nhân vật

Nhân vật chính: Thương hiệu

Ví dụ, hãy nghĩ về những công chúa của Disney. Các cô đều được xây dựng với đặc điểm thật rõ ràng (màu sắc đặc trưng, tài năng hay phép thuật độc đáo, bạn tri kỷ,…). Mà qua những đặc điểm này, khi đọc sách hoặc xem phim, bạn ngay lập tức dễ dàng nhận ra nhân vật. Trong truyện, bạn có thể phân biệt những nhân vật qua cách nói chuyện đặc trưng. Việc bạn có nội dung dễ hiểu và có tính đặc trưng sẽ giúp khách hàng tìm ra content của bạn giữa bạt ngàn bài viết trên mạng khi họ lướt web.

Content cần phải có chất riêng. Không. Điều này không có nghĩa là bạn phải chèn logo lên mọi thứ, nhưng nội dung của bạn phải nhất quán với giá trị mà thương hiệu xây dựng, nhất quán về các yếu tố thiết kế, có thể bằng màu sắc, phông chữ. Hãy khiến cho khách hàng có thể nhận ra đó là bạn mà không cần nhìn logo hay tên doanh nghiệp.

Người hùng: Khách hàng

Một câu chuyện tuyệt vời sẽ khiến cho người đọc muốn là một phần của nó. Đó là lý do tại sao trẻ con thích bắt chước và hành động như thể chúng là nhân vật trong truyện vậy. Chúng muốn trở thành một phần của câu chuyện. Khách hàng của bạn cũng thế.

Cố gắng phác thảo nội dung sao cho tạo ra cơ hội để khách hàng hòa mình vào câu chuyện của bạn, điều đó sẽ tạo ra sự gắn kết. Từ đây khách hàng có thể thêm gắn bó và trở nên trung thành với doanh nghiệp bạn.

“The Never Ending Story” là một bộ phim có cốt truyện khá hay, kiểu cốt truyện có nhân vật chính dạng anh hùng có thể cứu cả thế giới đó rất thu hút.

Atreyu và Falcor

Nhân vật phản diện: Bất cứ điều gì đe dọa đến thương hiệu của bạn

Thương hiệu của bạn không sớm thì muộn sẽ bị đe dọa, có thể là những đánh giá không tốt, sự suy thoái kinh tế, trái ngược văn hóa, và bất cứ điều gì khác mà tin tức có thể ném thẳng vào bạn. Trong truyện, khi xuất hiện nhân vật phản diện, bạn có thể tập trung kể nhiều về nhân vật chính, hành trình họ đánh bại kẻ phản diện và chiến thắng.

Các thương hiệu có thể chọn cách ngó lơ kẻ địch, chiến đấu trực diện, giải quyết trong thầm lặng hay lợi dụng họ như một cơ hội để chứng tỏ sự minh bạch của thương hiệu sau đó kêu gọi khách hàng như những anh hùng đến trợ giúp bạn. Các fans trung thành thường là những người lính tiên phong dũng mãnh trong câu chuyện, hỗ trợ giải vây bạn khỏi tình thế tiêu cực.

Đa dạng tuyến nhân vật: Những người làm nên thương hiệu ngoài CEO và Founder

Hãy giới thiệu về những người khiến thương hiệu của bạn đặc biệt. Khách hàng muốn xem những người đã tạo nên thương hiệu mà họ yêu thích. Giống như truyện cổ tích, thương hiệu của bạn được tạo thành nhờ sự quyến rũ, hài hước và những nhân vật tuyệt vời mà cả khách hàng và khán giả đều yêu quý. Hãy tôn vinh họ. Điều này không chỉ thể hiện rằng bạn coi trọng những người làm việc cho bạn mà còn nhân cách hóa thương hiệu. Thương hiệu không chỉ là một logo. Hãy cho mọi người biết, ai đã đem thương hiệu của bạn tới cuộc sống.

Khoảnh khắc gây xúc động

Nhân vật chính phải đối mặt với thử thách hoặc trở ngại. Nó có thể là hậu quả của một quyết định sai lầm, một lời nguyền hoặc một ai đó làm cho cuộc sống của nhân vật/ doanh nghiệp khó khăn hơn, nhưng đến cuối cùng, điều quan trọng là cách mà nhân vật đối mặt với vấn đề và tới gần cái kết có hậu.

Điều này cũng đúng với một thương hiệu. Nếu bạn bị cộng đồng gõ phím ghét bỏ, khủng hoảng truyền thông, hoặc bị phàn nàn về trải nghiệm khách hàng tồi tệ, cách bạn giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ là đòn quyết định đến việc người khác nhìn bạn như thế nào, và liệu câu chuyện của bạn có một cái kết có hậu hay không. Những trở ngại giúp nhân cách hóa nhân vật chính và thương hiệu.

Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn trở thành một marketer giỏi vào thời điểm thích hợp.

Kết thúc: Bi kịch hay hạnh phúc mãi mãi về sau

Đã đến lúc câu chuyện kết thúc. Kẻ phản diện bị đánh bại. Nhân vật chính được cứu và anh hùng chiến thắng.

Đối với các thương hiệu, điều này xảy ra khi  hành trình của người mua kết thúc, họ đã có sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng ta và họ hài lòng với nó. Họ thấy thích thú. Khách hàng được nhận phần thưởng nhờ việc trở thành anh hùng giúp “cứu rỗi” doanh nghiệp. Khách hàng nhận thấy mình đã đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Câu “Họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau” có tác động mạnh vì nó truyền khát vọng. Đó là thứ mà tất cả chúng ta đều muốn, nhưng trong mắt của một đứa trẻ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tất cả trẻ em đều tin rằng rồi sau này chúng cũng có thể hạnh phúc mãi mãi về sau.

Đối với khách hàng, bạn cần khiến họ tin rằng họ cũng sẽ có được điều đấy, và bạn cần chắc chắn rằng thông điệp đó được truyền tải tới họ. Khi bạn mang tới những trải nghiệm khách hàng khác biệt, thứ mà họ không thể có được ở những nơi khác, nó sẽ trở thành lý do chính khiến khách hàng quay trở lại với bạn. Đó chính là cảm giác tràn đầy hy vọng và tin tưởng.

Mạng xã hội có đủ các thể loại nội dung. Có quá nhiều content, nhưng lại thiếu các câu chuyện. Hãy thử làm một người kể chuyện, bắt những giấc mơ của khách hàng… và truyền tải chúng.

Ngày xửa ngày xưa, có một…


Nguồn: Medium

Người dịch: Liên Phương Nguyễn

Biên tập bởi ECOMME

#nhthang

https://www.facebook.com/nhthang.phattrientuduy

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

12 kĩ thuật kể chuyện thuyết phục khách hàng

12 kĩ thuật kể chuyện (storytelling) giúp bạn thuyết phục khách hàng


Sự thật nói nhưng câu chuyện bán hàng (facts tell but stories sell). Các kỹ thuật kể chuyện sau đây rất có thể sẽ giúp bạn từ một nhân viên bán hàng nhạt nhẽo thành một chuyên gia kể chuyện.

Sức mạnh của việc kể chuyện (storytelling)
Kết cấu một câu chuyện có sức thuyết phục
Kể chuyện gì?
Hãy kể chuyện, khán giả đang chờ

Bạn có biết cách hiệu quả nhất để trình bày ý tưởng kinh doanh là gì không? Không bàn về nội dung, ý tôi muốn nhắc tới ở đây là cách truyền tải. Thuyết trình trước một nhà đầu tư (hay một nhóm các nhà đầu tư) khác hoàn toàn so với việc chuẩn bị tài liệu thuyết trình và đương nhiên, nó sẽ đi kèm với những khó khăn nhất định.

Nếu xem những buổi thuyết trình đầu tiên của tôi, bạn sẽ thấy tôi phân tích từng slide, đúng hơn là diễn đạt lại những gì chiếu trên màn hình, có vẻ giống một phát thanh viên đọc máy nhắc chữ. Chẳng có tác dụng gì. Bạn biết cái cảm giác mình nói nhưng không ai quan tâm không? Sau rất nhiều những lần giới thiệu sản phẩm thất bại, tôi quyết định đến gặp cố vấn để xin lời khuyên.

Cô ấy bảo tôi: “Bài  trình bày có vẻ khá ổn rồi nhưng vấn đề nằm ở đây…”, và rồi cô ấy nói một điều mà tôi không bao giờ quên:

“Chúng ta không nên dừng lại ở việc khiến cho khách hàng nghĩ đây là một ý tưởng hay mà còn phải làm cho họ cảm nhận điều đó”.

Bài giới thiệu của tôi cần một câu chuyện khiến nó trở nên thực tế.

Sức mạnh của việc kể chuyện (storytelling)

Mọi người đều thích nghe kể chuyện. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng não bộ của chúng ta, theo phản xạ, rất hứng thú và tự động ghi nhớ các câu chuyện. Nhiều bài blog trên mạng khuyến khích các nhà đầu tư kể chuyện, nhưng họ lại không nói: Làm thế nào để kể chuyện hay?

Một lần, tôi bắt gặp một cuốn sách điện tử của Ty Bennett có tên: “Sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện”. Ty rất thích thú với câu hỏi: "Có kĩ thuật đặc biệt nào giúp bạn chạm đến cảm xúc của khán giả không?"

Theo tôi thấy, những kĩ thuật kể chuyện (storytelling) này không chỉ khiến câu chuyện của bạn hay hơn mà còn giúp bạn thực hiện các bài thuyết trình thuận lợi hơn.

Kết cấu một câu chuyện có sức thuyết phục

Những câu chuyện hấp dẫn bao gồm 3 phần:

●      Mở đầu

●      Nút thắt

●      Giải quyết nút thắt

Phần mở đầu giới thiệu cho người nghe về bối cảnh câu chuyện. Phần cao trào mô tả những xung đột và mâu thuẫn giữa các nhân vật. Và phần giải quyết sẽ là ý tưởng, phương án hay sản phẩm có thể giúp các nhân vật vượt qua khó khăn.

Nếu bạn cố gắng lướt thật nhanh qua phần mở đầu và cao trào để đến cách giải quyết thì bạn đang mắc sai lầm đấy. Đoạn cao trào mới hấp dẫn khán giả hơn nhiều đoạn giải quyết. Nó giống như việc cảnh quay về trận chiến cuối cùng trong phim Star Wars bị tiết lộ ngay từ đầu, và các phần còn lại của bộ phim chỉ tập trung miêu tả cuộc sống hạnh phúc kể từ đó.

Kể chuyện gì?

Bạn có thể kể cho các nhà đầu tư đủ thứ chuyện. Đó có thể là quá trình phát triển của công ty, bạn thuyết phục khách hàng đầu tiên như thế nào, hay thời điểm khó khăn nhất của bạn.

Mục đích của câu chuyện này là để giải thích tính logic và các số liệu theo cách khiến người nghe rung cảm. Dù là bất cứ câu chuyện gì, những kĩ thuật kể chuyện sau sẽ giúp bạn diễn đạt nó để chạm đến mọi người.

Phần 1: Mở đầu câu chuyện

1. Đặt câu hỏi cho người nghe: Những câu hỏi rất quan trọng bởi chúng gây ra sự tò mò. Để các câu hỏi có đầu có cuối, hãy nhớ rằng chủ ngữ “bạn” luôn được đặt vào chúng.

●      Bạn đã từng gặp…?

●      Bạn có biết gì về…?

●      Giơ tay nếu bạn đã từng…?

2. Đặt người nghe vào một tình huống cụ thể: Mục tiêu của bạn không phải là kể lại; cái bạn cần là khiến người nghe sống lại những khoảnh khắc đó với bạn. Đặt họ vào hoàn cảnh của bạn và rồi khơi nguồn trí tưởng tượng cho họ.

●      “Tôi đi cùng với một nhóm người”

Với

●      “Giả sử bạn từng  ở đó, trong nhóm người đó”

Hoặc

●      “Tưởng tượng bản thân bạn cũng ở trong nhóm đó”

3. Tạo mối liên kết giữa các nhân vật: Mỗi câu chuyện đều phải có nhân vật. Có thể họ cùng nhóm với bạn, là khách hàng của bạn hay thậm chí là đối thủ. Để khiến cho các nhân vật trở nên gần gũi hơn, bạn có thể so sánh họ với một ai đó mà người nghe có thể biết, ví dụ như là sếp của họ, hay thậm chí một người làm kinh doanh bình thường hay kể cả một ngôi sao nổi tiếng.

●      “Cindy tương đối giống Monica trong phim Friends,…”

Phần 2: Nút thắt của câu  chuyện

4. Biến vấn đề trở nên quen thuộc: Giống như việc so sánh các nhân vật với những người quen thuộc, bạn có thể ví vấn đề trong câu chuyện với những điều mà khách hàng thường gặp. Đây là lí do vì sao bạn phải tìm hiểu các nhà đầu tư của mình từ trước để có thể có những thông tin liên quan đến họ.

●      “Cũng như khi anh …”

5. Đừng xưng “tôi”, “chúng tôi”, hãy dùng “bạn”: Khi thảo luận công việc, mọi người có xu hướng lạm dụng từ “tôi”. Một mẹo hữu ích khi kể chuyện (storytelling) là thay thế “tôi” bởi “bạn”. Ví dụ, hãy so sánh hai câu sau:

●      “Tôi gặp điều này suốt.”

Với

●      “Bạn gặp điều này suốt.”

Hay

●      “Khi tôi nói chuyện với các CEO khác, tôi nhận ra rằng…”

Với

●      “Khi bạn nói chuyện với các CEO khác, bạn sẽ nhận ra rằng…”

6. Sử dụng các đoạn hội thoại ở thì hiện tại: Hội thoại giúp các nhân vật trở nên chân thật hơn, và mọi người cũng thích nghe chuyện về người khác hơn. Nhờ đó, bạn có thể lấy những chuyện từ ngày xưa để kể mà vẫn tạo được cảm giác khẩn trương cho người nghe. Hai ví dụ sau đây sẽ cho thấy sự khác biệt:

●       “Lúc đó, tôi biết tôi phải làm gì đó.”

Với

●      “Một thành viên trong ban giám đốc đã nhìn thẳng vào tôi và nói rằng, “Dave, anh phải làm gì đó đi!”’”

7. Sử dụng những chi tiết cụ thể: Các số liệu được xem là quy chuẩn của một bản mẫu. Nhưng trong những câu chuyện, nếu bạn muốn chứng tỏ những gì đưa ra là thật thì những thông tin như địa chỉ, thời gian hay tiền bạc có thể làm cho câu chuyện đáng tin cậy hơn. Thêm một ví dụ để minh họa:

●      “Khách hàng cần trung bình 2-3 tiếng để…”

Với

●      “Thực tế, James đã ngồi xuống sử dụng một chiếc đồng hồ bấm giờ và tính toán xem anh ta phải mất bao nhiêu thời gian… và một chuyên gia như anh ta đã mất 2 tiếng 48 phút.”

8. Nên có những phút im lặng để suy ngẫm: Chính trong những khoảng lặng đó, người nghe mới thực sự bước vào thế giới nội tâm của chính họ. Hãy ngừng lại đúng lúc để nhấn mạnh tầm quan trọng của một dữ kiện trong câu chuyện:

●      “Cô ấy khóc lóc, bước về phía tôi. [dừng] Đó là khi tôi biết…’

9. Kích thích người nghe cảm nhận: Mục đích của câu chuyện là gây tác động lên cảm xúc chứ không chỉ đơn thuần vì tính logic. Vì thế, ở đoạn cảm động nhất của câu chuyện, hãy đề nghị người nghe tưởng tượng họ sẽ cảm thấy thế nào khi ở trong hoàn cảnh đó.

●      “Bạn thấy thế nào nếu bạn…?”

●      “Tưởng tượng nó sẽ ra sao khi…”

Phần 3: Giải quyết nút thắt  câu chuyện

10. Đề xuất giải pháp dưới dạng câu hỏi: Trước khi giới thiệu sản phẩm hay giải pháp, hãy hỏi “Sẽ thế nào nếu như…?”. Tôi nhắc lại, hãy tạo ra một khoảng trống tò mò trước khi bạn lấp đầy nó.

●      “Nếu có một cách để...?”

11. Để một đối tượng khác làm người hùng: Không nhất thiết câu chuyện của bạn thì bạn phải là người hùng. Nhường vị trí đó cho một người khác, có thể là một giáo viên hướng dẫn, một cuốn sách, một bạn cùng nhóm, một sản phẩm khác hay thậm chí là một người lạ, là một cách cực kì hay để tỏ ra vừa khiêm tốn vừa gần gũi trong mắt khán giả.

●      “Đúng lúc đó, chồng chị ấy ngồi ngay bên cạnh, chen vào vào nói một câu rất sâu sắc…”

12. Điệu bộ cơ thể: Làm chủ các chuyển động cơ thể, cử chỉ đôi tay, biểu cảm gương mặt, dáng đứng, hay thậm chí chỉ đi lại xung quanh là một kĩ thuật rất khó. Tuy nhiên, nếu biết cách thể hiện đúng, đây có thể là trợ thủ đắc lực cho lời kể của bạn và khiến câu chuyện của bạn đáng nhớ hơn:

●      “Chúng tôi đã đẩy hiệu suất của khách hàng từ 60% (tay để thấp) đến 80% (tay nâng cao).”

Hãy kể chuyện, khán  giả đang chờ

Ngạn ngữ có câu “Cái gì không nên nói thì đừng nói”. Không ai thích thú với việc một câu chuyện đi quá xa, do vậy, hãy chỉ kể với những người mà bạn thực sự tin tưởng và xem phản ứng của họ. Mà ngược đời là, càng luyện tập nhiều, bạn sẽ lại càng tùy hứng bấy nhiêu.

Việc áp dụng những kỹ thuật này sẽ đưa trình độ kể chuyện (storytelling) của bạn lên một tầm cao mới. Hơn nữa, bạn cũng có thể dùng chúng trong những tình huống khác, trong các cuộc họp bán hàng, trong bài phát biểu chính và với nhóm của bạn. Như câu nói nổi tiếng đã nói:

“Những người kể biết kể chuyện là những kẻ thống trị thế giới.”

Translator: Diệu Xuân

Editor: Hải Linh

Bài gốc: Medium

Vui lòng dẫn nguồn link ECOMME  khi chia sẻ bản dịch ~ From ECOMME with LOVE!

#nhthang

https://www.facebook.com/nhthang.phattrientuduy

Kakeibo: Cách tiết kiệm tiền hiệu quả của người Nhật


Kakeibo: Cách tiết kiệm tiền hiệu quả của người Nhật

Trong cuộc sống bộn bề nhiều mối lo toan, việc làm sao để chi tiêu hợp lí, không lãng phí luôn là một vấn đề đau đầu của bất kì ai. Bạn có tin, áp dụng phương pháp quản lý tài chính gia đình, tài chính cá nhân đơn giản của người Nhật này sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được 35 % chi tiêu của mình trong tháng tới, năm tới?

Người Nhật nổi tiếng khắp thế giới với tính kỷ luật cao, làm việc khoa học có kế hoạch và luôn tuân thủ các nguyên tắc trong cuộc sống. Điều này đã giúp đất nước và con người Nhật Bản đạt được rất nhiều thành công và là tấm gương để hàng triệu người trên thế giới học tập theo.

Bình thường, phần lớn số tiền trong thu nhập của bạn dùng cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như thuê nhà, hóa đơn tiền điện tiền nước, chi phí đi lại, ăn uống... Số tiền còn lại, bạn đem đi chi tiêu cho những nhu cầu phát sinh hoặc giải trí nhưng không hề có kế hoạch cụ thể. Để đến lúc nhìn lại, bạn chẳng còn được bao nhiêu tiền để chuẩn bị cho tương lai.

Hãy sử dụng “Kakeibo”, cách tiết kiệm tiền, siêu đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả của người Nhật.

Kakeibo là gì?

Kakeibo là một trong những cách cực kỳ hiệu quả để người Nhật quản lý chi tiêu. Nghệ thuật Kakeibo (đọc là kah-keh-boh) ra đời lần đầu từ năm 1904 bởi nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản, Motoko Hani.

Giờ đây, cuốn nhật ký Kakeibo viết bằng tiếng Anh đầu tiên được chắp bút bởi nhà văn Fumiko Chiba vừa mới được cho ra mắt. Kakeibo đã và đang là công cụ cực kỳ hữu ích cho người muốn tiết kiệm và kiểm soát tài chính cá nhân một cách đơn giản mà thông minh.

Kakeibo giúp bạn theo dõi tập trung vào số thu và số chi, với mục tiêu cuối cùng là tiết kiệm được càng nhiều càng tốt. Nó hiện đang là phương pháp giúp hàng triệu người Nhật Bản giải quyết bài toán chi tiêu phức tạp.

Với Kakeibo, bạn chỉ cần ghi chép đơn giản. Không có ứng dụng, không có công nghệ kỹ thuật số, không có các phép tính toán học phức tạp, bạn sẽ phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi chi tiêu cho một vấn đề nào đó.

Và bạn sẽ thấm thía nguyên lý “tiết kiệm nghĩa là phải tiêu tiền thông minh”. Thay vì những thứ bạn không được mua (quan điểm tiết kiệm phổ biến là thắt chặt chi tiêu, ngăn cản chi tiêu) thì nó chuyển sang là chi tiêu cho những thức thực sự quan trọng – dù có thể đắt đỏ.

Vậy thực hành Kakeibo như thế nào?

Ý tưởng là thế này: Cứ đầu mỗi tháng, bạn dành vài phút ngồi xuống với cuốn kakeibo của mình và lên kế hoạch xem mình sẽ mua gì, tiết kiệm cái gì và phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Rồi đến đến tháng sau, bạn kiểm kê lại xem mình đã đạt được những gì. Đơn giản không?

Dưới đây là những điều bạn cần thực hiện;

1. Bạn cần dời sự chú ý từ việc tiết kiệm sang chi tiêu.

Mọi người đều đang cố gắng làm việc thật chăm chỉ để kiếm tiền sinh sống và cũng để dùng tiền tận hưởng những tiện ích, dịch vụ tốt nhất.

Vì vậy, chúng ta cần phải định hình lại thái độ của mình đối với việc lập ngân sách: phải chi tiêu tối ưu nhất để tiết kiệm được tối ưu nhất và ngược lại. Đây là điều quan trọng cần nhớ khi thực hành tiết kiệm.

2. Viết các khoản chi tiêu trong tháng ra giấy.

Theo bà Chiba “phần lớn cuộc sống của chúng ta được dành cho việc tiếp xúc với màn hình điện thoại hay máy tính,”. Nhưng làm việc với những con số được ghi trên giấy tờ sẽ giúp bạn kiểm soát được việc chi tiêu một cách chi tiết và hiệu quả hơn là trên máy móc.

Thế giới mà chúng ta sống đang trôi nhanh đến mức mọi thứ đều có thể được mua và bán rất nhanh. Chỉ cần một cú click chuột, bạn đã có ngay một món đồ, đồng thời một khoản tiền trong tài khoản của bạn cũng được trừ đi ngay lập tức.

Phương pháp Kakeibo này giúp bạn hành động chậm lại và suy nghĩ bình tĩnh về những gì bạn định mua. Một kakeibo giúp chúng ta sống chậm lại và thực sự cân nhắc nên mua cái gì một cách bình tĩnh, có tính toán.

Do vậy cứ đầu mỗi tháng, bạn phải hoạch định và viết ra xem hiện giờ mình đang có bao nhiêu tiền. Nhìn vào số tiền mà đã có, từ lương lậu đến tiền làm thêm, cộng tổng lại. Sau đấy, dự tính “những khoản bắt buộc”: những thứ mà bạn bắt buộc phải trả như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước rồi riêng ra. Số còn lại là khoản bạn có thể lựa chọn hoặc “tiết kiệm” hoặc “tiêu một cách có ích”.

Đừng lo nếu con số còn quá khiêm tốn - chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi mà.

3. Bạn cần phải trung thực với bản thân khi quyết định đâu là cái cần và cái muốn.

Kakeibo là phương pháp cân đối tài chính của bạn. Bạn sẽ biết mình kiếm được bao nhiêu tiền và những khoản bạn phải chi tiêu là bao nhiêu, đồng thời, bạn sẽ biết được phần còn lại sau khi trừ đi những khoản chi cố định là bao nhiêu và tìm hiểu xem bạn sẽ sử dụng chúng như thế nào cho hợp lý.

Một khi bạn biết được tiền của mình sẽ đi đâu, bạn cũng biết được luôn những gì mình cần và những gì không cần.

Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều cần ăn uống, vì vậy đó là một khoản cần phải có. Và chắc chắn, quần áo cũng là một điều cần thiết, nhưng liệu nó có thực sự cần đến mức bạn phải chi tiêu toàn bộ số tiền dự phòng của mình cho những shop thời trang?

Bà Chiba khuyên rằng: “ Để nhận biết những thứ “cần”, hãy viết ra những cái mà sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn nếu bạn không chi tiền cho nó – Những thứ này thường là những khoản không thay đổi từ tháng này sang tháng khác.

Bằng cách sắp xếp những khoản chi tiêu của mình theo những gạch đầu dòng, nhìn vào các khoản chi tiêu cần thiết và mong muốn của mình bạn có thể nhận diện ra khoản nào mình có thể cắt giảm.

4. Sử dụng tiền mặt tốt hơn thẻ.

Ngày nay, chúng ta có thói quen sử dụng thẻ nhiều hơn là tiền mặt. Nhưng phương pháp Kakeibo chỉ ra rằng hành động này đang phá hủy chính chúng ta. Quẹt thẻ khiến ta ít phải chịu trách nhiệm cho những khoản chi tiêu của mình, trong khi hành động thực tế là sử dụng tiền mặt sẽ khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn.

Chiba thậm chí còn khuyến khích rút hết tiền ra khỏi ngân hàng và chia chúng thành từng phong bì nhỏ có dán nhãn để giúp bạn tiêu xài có chừng mực. Bà giải thích rằng “đối với cá nhân tôi, việc giữ tiền mặt trong những phong bì khiến bạn ít có thể tiêu nó vào những mục đích khác, như đi nhậu với bạn bè, mua sắm không cần thiết chẳng hạn”.

“Tích tiểu thành đại. Hành động với lòng kiên nhẫn và quyết tâm chính là những gì Kakeibo muốn hướng tới”.

5. Tổng kết sự tiến triển vào cuối mỗi tháng.

Cuối tháng, bạn hãy xem xét kĩ lưỡng về những khoản chi tiêu trong hơn 4 tuần liền của mình và ghi nhận những thành công cũng như điểm yếu của bản thân và đặt ra mục tiêu mới cho tháng tiếp theo.

Hiện nay, có một số ứng dụng trên điện thoại cho phép chúng ta kiểm soát được những khoản chi tiêu của mình. Tuy nhiên, những ứng dụng đó chỉ cho thấy chúng ta đang mắc sai lầm ở đâu. Còn khi viết ra giấy, bạn sẽ có được một góc nhìn rõ ràng hơn.

Việc ghi lại những gì đã chi tiêu, nó giúp bạn có một cái nhìn chi tiết, cụ thể. Khi duy trì nó thường xuyên, bạn sẽ ý thức được rõ ràng những thói quen chi tiêu của bản thân. Và trong quá trình ghi chép đó, bạn sẽ dần hiểu được xu hướng chi tiêu của mình. Bạn sẽ nhận ra có những khoản thực sự không cần thiết, hay có những khoản mà bạn tiêu quá nhiều, hay những khoản bạn đầu tư chưa hợp lý.

Khi đã nhận biết được những khoản chi tiêu lãng phí, không hợp lý, bạn sẽ điều chỉnh được việc tiêu tiền của mình sau này.

“Tôi thấy thích thú khi tiết kiệm những khoản nhỏ hàng tháng. Chúng có vẻ không đáng mấy đồng vào thời điểm đó, nhưng thế mà cuối cùng nó tích lại được một khoản kha khá,” bà Chiba chia sẻ.

Hiện nay, phương pháp này đang được đại đa số người dân Nhật Bản sử dụng, bởi họ tin rằng việc nhìn thực tế vào những con số ghi trên giấy sẽ hiệu quả hơn so với việc nhìn vào màn hình. Bên cạnh đó, đây cũng là phương pháp khiến nhiều người trên thế giới cảm thấy thực sự có hiệu quả và đã thực hành theo.

Người ta tin rằng, phương pháp này có thể giúp bạn cắt giảm được các khoản chi tiêu tới 35%.


#nhthang

https://www.facebook.com/nhthang.phattrientuduy

 

Email đăng ký

Email liên hệ

Email: nhthanglove@gmail.com

Trà Tâm Lan - Mang sức khỏe đến mọi nhà