"QUÂN TỬ KẾT GIAO NHẠT NHƯ NƯỚC" NGHĨA LÀ SAO?
Người xưa có câu: "Quân tử chi giao đạm nhược thủy" - dịch nghĩa tạm là "Quân tử kết giao nhạt như nước". Vậy câu nói của người xưa về cách sống và kết giao của người quân tử nghĩa là gì?
Thật ra NHẠT của người quân tử ở đây là cái nhạt nhìn ở hình thức giao tiếp bề ngoài. Nếu nhìn vào biểu hiện bên ngoài cho rằng đó đã là bản chất, đôi khi sẽ nhầm lẫn nghiêm trọng.
Người quân tử lấy chữ Lễ để đối đãi giao tiếp nhau
Dù trong lòng luôn có đối phương nhưng khi gặp nhau, người quân tử không vồn vã săn đón, tay bắt mặt mừng, ra vẻ hoan hỉ mặt vui phơi phới, xun xoe bợ đỡ tâng bốc... Họ luôn giữ 1 khoảng cách từ xa, trong lòng luôn cung kính.
Chính vì lẽ này, người quân tử đối đãi nhau luôn nhàn nhạt như nước ở vẻ ngoài vì muốn lưu giữ giao tình, muốn cái tình cảm của mình và đối phương luôn giữ nguyên trước sau như một.
Mặt khác, bản chất của nước (nếu là nước) không bao giờ thay đổi, trước sau như một. Chén nước tuy nhạt nhưng giải được cơn khát bao ngày. Vì quá nhẹ nhàng bình dị không cố gắng tỏa mùi khoe vị như rượu, nên nước thường bị xem là qúa đỗi tầm thường-cho đến khi người ta trong khát mới chợt nhận ra giá trị của nước.
QUÂN TỬ CHI GIAO ĐẠM NHƯỢC THỦY
Cổ nhân giảng: "Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt.”
Ý nói rằng: tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.
Từ xưa đến nay, người đến với người vì lợi ích thì khi nghèo túng, hoạn nạn, tai họa sẽ dễ dàng bỏ nhau, thậm chí vì chút lợi nhỏ cũng sẽ làm hại nhau. Nhưng vì thiên tính, vì chân thành mà kết giao thì đến khi nghèo túng, hoạn nạn, tai họa sẽ giúp nhau, thậm chí quên mình vì nhau.
"Quân tử kết giao đạm bạc như nước”, mối quan hệ kết giao giữa những người quân tử là sự kết giao giữa tâm và tâm, là nên dựa theo Đạo. Tình bạn ấy phải giống sự thuần khiết, cao thượng của nước, như Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy” (Thiện cao nhất là như nước). Nó không bị trộn lẫn với những tạp niệm về lợi ích vật chất ở nơi thế tục và tình cảm riêng tư. Mối quan hệ giữa bạn bè nếu được thuần khiết, không vụ lợi như vậy thì mới có thể gắn bó lâu dài, thậm chí là bất tận, mãi trường tồn.
Tình bạn chân chính giữa những người quân tử luôn luôn bình lặng và nhàn nhạt như nước vậy, không quá mặn mà nhưng không thể thiếu trong đời. Kết giao giữa những người bạn thực thụ không phải là chuyện hưởng lạc, mà để kiếm tìm sự đồng cảm về tinh thần. Giao tiếp qua lại giữa những kẻ tiểu nhân lại thường kèm theo rượu chè phè phỡn để vụ lợi cầu danh, làm con người suy đồi, mất đi sự thanh tỉnh.
Người ta thiếu rượu ngon thì chỉ khó chịu một vài ngày nhưng thiếu nước thì không thể sống nổi quá một hôm.
Ý nghĩa chính là như vậy, tri âm đích thực quý nhau như khách, lễ độ, khiêm cung, giao hảo với nhau như nước, dịu dàng, thanh đạm mà bền sâu và lắng đọng
Kết luận:
Quân tử chi giao đạm nhược thủy. Mối quan hệ giao tiếp của người quân tử ví như dòng nước trong. Không vì sang mà đến, không vì lợi mà gần “tương kính như tân” thì mới có thế giữ được tính vô tư trong sáng của tình bạn. Nghĩ cho cùng, cái vẻ phù phiếm bên ngoài rồi cũng phôi phai. Sự đồng điệu để đưa đến tình thân không phải tuỳ thuộc vào triết lý, vào quan điểm sống, vào nhãn quan con người mà chính vào sự trải nghiệm khi khốn khó, lúc buồn vui giữa hai người quen biết. Thời gian là thước đo duy nhất của tình bạn.
Và hãy đặt niềm tin vào con người lên cây cột mốc thời gian ấy. Cho dù rất mong manh…
Nguồn: tamlinh.org
0 comments:
Đăng nhận xét