Rối loạn tiền đình, làm sao để tránh tái phát?
Vì sao rối loạn tiền đình hay tái phát?
Bạn đang làm việc bỗng thấy chóng mặt, buồn nôn? Bạn đang chăm con, trời đất bỗng nhiên quay cuồng, hóa mắt, ù tai? Bạn đang chạy xe, tự dưng như bị mất thăng bằng? Và tất cả những điều này không phải lần đầu tiên xuất hiện. Vậy thì đừng chủ quan nữa, đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp phải chứng rối loạn tiền đình và còn tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng công việc, cuộc sống.
Ngày nay, tình trạng này ngày càng phổ biến do tiếng ồn, thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm nhiễm độc, tâm lý căng thẳng, thiếu máu não và các nguyên nhân khác như nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sọ não… Nếu trước kia bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh thì ngày nay bệnh có xu hướng mở rộng đến độ tuổi đang làm việc và cả sinh viên, học sinh. Đặc biệt, hội chứng rối loạn tiền đình thường gặp ở phụ nữ hơn đàn ông.
Có nhiều nguyên nhân khiến rối loạn tiền đình hay tái đi tái lại nhiều lần. Trong đó có thể kể đến việc không phát hiện kịp thời để tìm ra nguyên nhân, hướng điều trị; hoặc điều trị không đến nơi đến chốn; tự ý mua thuốc; điều trị không đúng bệnh, vì rối loạn tiền đình thường dễ nhầm lẫn với các bệnh khác; thói quen sống không điều độ, thiếu khoa học như thức khuya, mất ngủ, áp lực, stress…
Khi xảy ra các triệu chứng rối loạn tiền đình có thể dẫn đến té ngã, chấn thương
Rối loạn tiền đình không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc làm giảm chất lượng cuộc sống do mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, run rẩy, tê bì tay chân, mắt mờ mà còn có thể gây ra biến chứng, thậm chí nguy hiểm. Trong cơn bệnh nếu cố gắng đi lại có thể ngã gây chấn thương xây xước da, chảy máu, thậm chí gãy chân tay, chấn thương sọ não (ngã cầu thang)… Biến chứng nguy hiểm nhất là có thể gây đột quỵ do máu lên não kém.
Vì vậy, bên cạnh việc điều trị nguyên nhân theo chỉ định của bác sĩ, người bị rối loạn tiền đình cần kết hợp với các bài tập thể dục, chế độ dinh dưỡng và xây dựng lối sống lành mạnh, sử dụng sản phẩm bổ sung tăng cường tuần hoàn não để cải thiện dấu hiệu, phòng ngừa tái phát.
Tập luyện đúng cách cho tiền đình
Việc tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh rối loạn tiền đình, điều này giúp khí huyết lưu thông, không thiếu máu đi lên não, nhưng phải đúng động tác. Có nhiều môn thể thao phù hợp với tình trạng như yoga, gym, đi bộ, chạy bộ…
Khi tập thể dục, lưu ý phải làm được 3 động tác cơ bản sau đây: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8-10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt), làm 10 lần.
Người bị rối loạn tiền đình nên chạy bộ nhẹ nhàng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, có thể tập động tác đầu và cổ như sau, ngửa đầu ra sau, cúi đầu xuống, nghiêng đầu sang phải và sang trái hết cỡ. Quay đầu tròn chữ O bên phải rồi bên trái (khoảng 10-15 lần). Nằm ngửa trên giường, để một tay ở đỉnh đầu, một tay dưới cằm, thật mềm cổ, nhẹ nhàng vặn mạnh cằm về bên trái, rồi về bên phải, có tiếng kêu răng rắc là tốt. Sau đó, lồng các ngón tay với nhau để vào sau gáy, kéo mạnh gập cằm về phía ngực (khoảng 10 lần).
Động tác xoa mặt, mắt, tay cũng rất cần thiết. Bạn có thể dùng hai bàn tay xiết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để tác động vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt (khoảng 10 lần).
Hạn chế rượu bia, uống đủ nước, tăng cường rau xanh
Trước tiên, khi bị rối loạn tiền đình cần hạn chế rượu, bia, uống đủ lượng nước từ 1,5 - 2,5 lít nước/ngày. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, muối cao, các đồ ăn nhanh. Không sử dụng thực phẩm và đồ uống có chứa chất caffeine. Ngoài ra, cần cẩn trọng khi dùng các loại thuốc kháng acid, kháng viêm không steroid NSAIDs, aspirin...
Những người bị rối loạn tiền đình phải bổ sung vitamin để góp phần tăng cường sức khỏe cho hệ thống rối loạn tiền đình. Đặc biệt, cần bổ sung các loại rau xanh như cải cúc, cải xoong, rau ngót, các loại đỗ, đậu, các sản phẩm từ sữa. Hoa quả tươi chứa các loại vitamin có trong táo, cam, lê, chuối... để tăng cường khả năng miễn dịch cũng là giải pháp quan trọng giúp cải thiện rối loạn tiền đình.
Bên cạnh đó, với những người phụ nữ bước qua tuổi 40, sắp vào giai đoạn tiền mãn kinh nên dễ xuất hiện tình trạng bốc hỏa, mất ngủ, các rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý tim mạch, loãng xương, đau nửa đầu… Vì vậy, các chị em nên ăn ít chất béo, sử dụng thực phẩm có chứa canxi, vitamin D, hạn chế ăn các loại thức ăn nhiều chất béo như kem, bơ, mayonnaise... thay vào đó, cần tăng cường ăn các loại salat hoa quả.
Song song đó, nên tăng cường chất xơ bởi chất xơ không chỉ tạo cảm giác no lâu mà còn giúp duy trì mức năng lượng và đường trong máu ở ngưỡng ổn định, tốt cho việc hạ tỷ lệ cholesterol và nâng cao sức khỏe. Khẩu phần ăn nên giàu vitamin A, C và E.
Bị rối loạn tiền đình không nên ngồi liên tục quá lâu, tránh căng thẳng
Người rối loạn tiền đình cần thay đổi một số thói quen không tốt, trong đó cần chú ý không nên để gối cao khi nằm ngủ. Gối để ở độ cao vừa phải sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn, từ đó có thể ngăn chặn các triệu chứng bệnh xảy ra cũng như các biến chứng nguy hiểm khác. Để đèn ngủ sáng cho dễ quan sát sự vật chung quanh.
Các chị em không ngồi liên tục quá lâu, nhất là làm việc máy tính, không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng. Điều quan trọng nữa là cần giảm căng thẳng, lo âu, hoảng hốt, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt, tuyệt đối không được leo trèo cao.
Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc để điều trị, bởi vì thuốc chống nôn do rối loạn tiền đình có nhiều loại, trong đó có loại có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe người bệnh, vì vậy cần có chỉ định và tư vấn của bác sĩ.
Trong trường hợp bị chóng mặt kèm theo nhức đầu đột ngột, sốt cao, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác, nên đi bệnh viện khám ngay. Cần tích cực điều trị các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, huyết áp thấp, thoái hóa cột sống cổ, tăng mỡ máu…) theo đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh cho mình.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống
0 comments:
Đăng nhận xét