gtag('config', 'AW-11258748845');

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

13 thói quen để sống và làm việc năng suất hơn

 13 thói quen bạn nên bổ sung vào checklist mỗi ngày để sống và làm việc năng suất hơn

Mình rất hay khuyên các bạn, nhất là những bạn mới làm quen với chuyện đi-làm-chuyên-nghiệp, rằng các bạn cần có một check list cho mỗi ngày. Và cố gắng để hoàn thành nó tốt nhất trong khả năng có thể.

Khi các bạn kiểm soát đời mình, những deadline, công việc, sự chây ì của bản thân tốt hơn… các bạn có thể đọc tiếp bài viết sau. Nhiều giám đốc điều hành cấp cao chơi game trên máy tính để “cảm thấy năng suất” hơn. Sự thật đấy. Những người năng suất cao  có nhiều cách để bản thân họ trở nên năng suất hơn, và checklist công việc hàng ngày chỉ là một trong những điều để họ kiểm tra năng suất của mình.

Việc làm checklist có hai mặt, một mặt sẽ siêu tăng năng suất của bạn, mặt còn lại sẽ có thể khiến bạn trở nên máy móc và đối phó.


Để tránh điều thứ hai, tôi note nhanh ra đây 13 điều bạn có thể bắt đầu với thói quen buổi sáng của bạn.

Dù bạn là ai và hàng ngày bạn làm công việc gì đi chăng nữa, bạn đều cần có những thói quen buổi sáng phù hợp và lành mạnh. Nó là mỏ neo của bạn để bắt đầu ngày mới và nếu bạn bỏ qua nó, cả ngày của bạn sẽ bị lạc hướng. 


Tôi chia sẻ với các bạn tầm quan trọng của những thói quen buổi sáng là gì bởi vì tôi nghĩ là ít ai có thể nói với bạn điều đó, nhưng tôi cũng nhấn mạnh là những thói quen này cần được áp dụng linh hoạt, phụ thuộc vào cuộc sống cá nhân của bạn. Chúng ta không ai giống ai mà đúng không?


#1. Trước tiên thì hãy cố gắng ngủ đủ 8 tiếng một ngày

Nhiều người nói với bạn điều này rồi đúng không? Và có thể bạn vẫn còn biện minh vì cái này vì cái khác mà bạn chưa làm được. Chà, làm được hay không làm được thì chính bạn sẽ tự trả lời được thôi. Tôi có thể khẳng định là, khi nào bạn làm được điều này – ngủ đủ 8 tiếng một ngày, ngủ sớm dậy sớm nữa, thì khi đó bạn thực sự trưởng thành.


Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc ngủ đủ 8 tiếng, càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tác hại khủng khiếp của việc thiếu ngủ. Nhưng tôi chỉ nói thế này thôi bạn thân mến, bạn dùng chiếc điện thoại hay chiếc laptop bạn còn biết lo lắng và cho chúng nghỉ ngơi, thế tại sao không thực sự quan tâm đến cỗ máy con người bạn. Thân thể bạn có thể hẻo sớm vì bị thiếu chăm sóc, điều đó nghe có vẻ xa vời phải không? Có một điều thực tế hơn đây này, bạn sẽ không bao giờ năng suất hơn nếu thiếu ngủ, vì não bộ của bạn rất mệt. Thay đổi đi bạn trẻ.

#2. Luyện tập thể chất vào sáng sớm

Không cần bạn phải luyện tập gym hay gì đó quá nghiêm trọng đâu. Bạn có thể bắt đầu ngày mới bằng cách tản bộ 10-15 phút, mỗi ngày cố gắng thêm một chút, cho đến khi cơ thể bạn sẵn sàng cho việc luyện tập một cách bài bản hơn.


Dậy sớm, ra khỏi căn phòng của mình, ngắm nhìn thế giới, thư giãn đầu óc, còn khiến tăng mọi thứ trong cơ thể bạn đó, sự sáng tạo, tinh thần tích cực, cảm thấy bản thân mình trưởng thành và có ích… vv


#3. Bắt đầu buổi sáng bằng một bữa ăn healthy

Ăn sáng healthy là gì bạn cũng nên tìm hiểu. Sáng ra bạn cần đồ ăn, và việc ăn thứ gì đó healthy sẽ có nhiều lợi ích cho cơ thể và tư duy của bạn.

Bạn có thể ăn ít đường hơn một chút, nhiều rau hoa quả và chất xơ hơn. Hãy cẩn trọng trong việc mua các loại thực phẩm mà bạn sẽ ăn vào người, nguồn gốc của chúng, các mức năng lượng của chúng. Kế đó hãy cẩn thận hơn nữa khi đọc các blog về ăn uống healthy và kiểm tra lại độ chính xác của những thực đơn healthy mà họ khuyến nghị.

#4. Cho bản thân một chút “lazy time” 

Nếu như bạn dậy đủ sớm, bạn sẽ có thêm khoảng thời gian cho riêng mình. Lúc này, khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với bản thân: vệ sinh, tập luyện, ăn uống… bạn có thể ngồi chơi, đọc sách hay nằm ườn lướt web… hoặc bất cứ công việc “năng suất thấp” nào khác.


Đây là một khoảng nghỉ cần thiết trước khi bước vào một ngày dài với những áp lực của năng suất.

Sở dĩ có điều này, là hãy luôn nhớ bạn không phải là một cỗ máy, bạn rất “con người”, con người thì cần sống như một con người đúng không?


#5. Dành thời gian để nhìn lại bản thân mình thời gian qua

Chỉ bằng cách nhìn lại bản thân ngày hôm qua, tuần qua, tháng qua… bạn sẽ có định vị tốt hơn về con đường sẽ đi trong thời gian sắp tới. Bạn đã làm tốt việc gì, việc gì bạn có thể làm tốt hơn? Sắp tới bạn nên điều chỉnh checklist như thế nào cho hài hoà nhất? Việc này thực sự hiệu quả đó các bạn thân mến.

#6. Thử việc lập kế hoạch cho ngày trong 10s

Tất nhiên chúng ta sẽ luôn có cả rổ công việc cần phải làm. Vì thế, hãy luôn tập cách “nghĩ thoáng, nhìn tổng quan”. Hãy bắt đầu mỗi ngày bằng việc cho bản thân mình đúng 10s để lập kế hoạch cho ngày.

Nào thử bắt đầu đi, chỉ trong 10s thôi, quyết định xem hôm nay mình sẽ làm 3 việc chính gì? Kế đó là 3 việc phụ gì?


Đầu óc bạn sẽ nhanh nhẹn hơn, và xếp thứ tự ưu tiên tốt hơn nếu như bạn buộc phải ra quyết định trong 10s.


#7. Bắt đầu ngày mới bằng cách tiếp cận một vấn đề khoa học của nghề nghiệp

Đến cơ quan rồi, bạn cũng có thể như bao đồng nghiệp khác, ngồi xuống, bật trình duyệt web lên và cuộn lên cuộn xuống phí mất nửa giờ cho đến một tiếng trong vô định. Nhưng bạn cũng có thể quyết định rằng bạn sẽ không như họ. Việc đầu tiên khi đến cơ quan cũng sẽ là ngồi xuống, bật trình duyệt lên, nhưng sau đó sẽ là đọc một báo cáo khoa học, một bài báo mới, một blog chuyên ngành của một vấn đề nghề nghiệp mà bạn đang quan tâm.

Ngay khi bạn bắt đầu đọc một vấn đề kiến thức, não bộ của bạn sẽ lập tức hoạt động và tiết ra một số chất thúc đẩy việc sáng tạo ra những giải pháp cho các vấn đề công việc liên quan.


Đừng bắt đầu một ngày làm việc với việc lướt facebook hay instagram trong vô thức và lãng phí thời gian vào việc đó. Hãy chủ động tìm đọc một vấn đề khoa học liên quan đến nghề nghiệp để đưa não bộ bạn vào trạng thái sẵn sàng làm việc “cho ngành”.

#8. Đập tan những điều gây xao lãng

Từ chối giao tiếp bất ngờ của đồng nghiệp là một trong những cách hiệu quả để tập trung vào công việc. Đôi khi bạn phải lựa chọn giữa việc trở thành một “hoa hậu thân thiện” nơi công sở, hay trở thành một cá nhân tập trung.


Tắt 3G, wifi cho các thiết bị di động, tắt chức năng push notifications trên các trình duyệt. Thậm chí hãy log out ra khỏi những ứng dụng có thể khiến bạn xao nhãng khỏi công việc.

Headphone cũng giúp bạn tập trung hơn bằng một cách nào đó.


Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải kiên định với kế hoạch công việc chính của ngày hôm đó, nếu có việc phát sinh chen ngang, hãy để nó xuống sau 4h chiều.


#9. Khi thấm mệt, hãy nghỉ một chút, đừng từ bỏ

Như bài viết gần nhất mình có đề cập, não bộ sẽ hoạt động tốt nhất nếu mỗi 1h bạn cho nó nghỉ ngơi. Não bộ và cả cơ thể của bạn nữa, sẽ không thể vượt qua một mốc khó khăn của công việc một khi nó đã mệt. Bạn càng cố làm cho xong thì bạn càng bế tắc. Vì thế điều mà bạn cần là hãy cho bản thân mình nghỉ ngơi một chút thay vì cố quá. Bạn cố quá, bạn sẽ càng cảm thấy chán nản, mệt mỏi và dẫn đến suy nghĩ muốn từ bỏ.

Thực tế là từ khi đi làm, không ai dạy chúng ta là phải làm như thế nào, cũng càng không ai dạy chúng ta khi nào nên nghỉ. Mọi người chỉ cổ suý là hãy cố gắng hơn đi. Vì thế hãy tìm đọc về việc “nghỉ” đúng nghĩa này. Nghỉ một cách thực sự, không công việc, không suy nghĩ đến công việc, không lo lắng cho công việc.


Việc nghỉ ngơi, đôi khi chỉ là nhìn ra ngoài cửa sổ đầy nắng và hoa lá, hoặc đi ra chỗ nào đó thoáng thoáng một mình.

#10. Biết điểm kết thúc của một ngày

Công việc không bao giờ là kết thúc. Bạn còn cả một đời để làm việc. Thực ra có một thực tế là tôi đã gặp rất nhiều người (mà so với những người khác) thì họ đã rất là năng suất rồi. Nhưng họ lại không nhận ra điều đó, thậm chí thấy mình kém cỏi, vì họ làm tràn lan từ ngày này qua ngày khác, và họ luôn thấy còn thêm nhiều việc khác phải làm.


Nên để cho một ngày có điểm kết thúc. Điều này thể hiện rõ ràng khi bạn nhìn lại điều khuyến nghị số 6 của tôi, điều về những việc quan trọng cần phải làm trong ngày nếu bạn chỉ có 10s để quyết định ấy. Làm xong những nhiệm vụ quan trọng đó rồi thì hãy để một ngày được kết thúc, dành sức cho ngày hôm sau.

#11. Theo dõi một ngày bạn làm được những gì

Nhiều người vẽ ra kế hoạch công việc cho ngày rồi để đấy. Bạn không nên như thế. Cuối ngày bạn nên kiểm lại xem bạn đã xong được bao nhiêu việc, bao nhiêu việc còn tồn, bạn có nên làm thêm giờ để xử lý cho xong không? Thói quen nhỏ xíu này sẽ giúp bạn trở thành những người chuyên-nghiệp thực sự trong thế giới nghề nghiệp

#12. Tự thưởng cho chính mình

Đừng quên thưởng cho bản thân mình nếu như bạn đã có một ngày làm việc năng suất. Việc trao thưởng cho bản thân này, tưởng như nhỏ bé nhưng lại có hiệu quả vô cùng lớn. Nó sẽ ghi dấu ấn trong não bộ về việc bạn đã trải qua một ngày tốt, bạn đã làm được một điều tích cực. Và hiệu ứng từ đó sẽ giúp cổ vũ cho chuỗi ngày sau trong đời của bạn.

#13. Checklist hoàn toàn có thể thay đổi

Checklist chỉ là một công cụ để tự bản thân bạn kiểm soát chính mình tốt hơn. Nên hiểu rằng, cuộc sống, công việc, các mối quan hệ, thứ tự ưu tiên công việc của bạn luôn có thể thay đổi. Cuộc sống muôn màu mà đúng không? Vì thế hãy ứng dụng checklist một cách linh hoạt, cân bằng giữa một cuộc sống nghiêm khắc và sáng tạo.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

Email đăng ký

Email liên hệ

Email: nhthanglove@gmail.com

Trà Tâm Lan - Mang sức khỏe đến mọi nhà